Giới thiệu sơ lược Tân_Long,_Mỹ_Tho

Cù lao Tân Long còn được gọi là cồn Rồng hay cồn Long[2], nằm trên sông Mỹ Tho (là một đoạn của sông Tiền), thuộc phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho.

Vào khoảng năm 1788, giữa sông Mỹ Tho đã nổi lên một gò ban đầu còn nhỏ nhưng nhờ dòng nước bồi đắp nên ngày càng lớn hơn. Đến năm 1872 thì gò đất ấy đã nổi cao lên khỏi mặt nước thành cồn với loại cây bần, mắm... mọc um tùm. Lúc này Đốc phủ Mầu là một đại địa chủ có tiếng giàu nhất xứ Định Tường (tên gọi của Mỹ Tho trước đây) đã cho người qua thăm dò, rồi tuyên bố rằng đây là đất do ông khai phá. Sau đó, ông đã cho mang những loại cây đặc sản của đất liền lúc bây giờ như mận, nhãn... qua trồng ở cồn này và phân công người gìn giữ...[3]

Mãi đến khi chiếm xong Nam Kỳ lục tỉnh (tức sau năm 1867), thực dân Pháp thiết lập bộ máy đô hộ và bắt buộc địa chủ Mầu giao cồn Rồng lại cho chính quyền. Sau đó, họ đem những bệnh nhân bệnh phong qua ở cồn Rồng vào năm 1958. Trại phong lúc này được xem như là một ấp của xã Bình Đức, được quản lý bởi một bộ máy chính quyền do người Pháp lập ra. Đến 1971 thì trại phong ấy được dời ra Quy Hòa (Quy Nhơn ngày nay). Vì lý do này mà cồn Rồng còn được gọi là cồn Cùi (hay cồn Phong).

Mãi đến vài năm sau thì người dân nghèo không có đất đai ở đất liền bắt đầu ra cồn Rồng để sinh sống và lập thành một làng sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng cây ăn trái. Đất cồn được bồi đắp chủ yếu từ phù sa nên rất tốt để trồng cây ăn trái, dần dần thu hút nhiều cư dân ở đất liền qua sinh sống và định cư ở đây.

Cồn Rồng có diện mạo mới từ năm 2003[4] khi không còn là một xã vùng ven nữa, mà trở thành một phường trực thuộc thành phố Mỹ Tho với tên gọi là Tân Long [5]